TP HCM đang bước vào mùa mưa và cũng là mùa cháy, nổ đe dọa tính mạng người dân
“Tháng 4 đến tháng 10 là thời điểm mưa to, gió lớn ở TP HCM. Lâu nay, mọi người nghĩ mưa xuống là không xảy ra cháy, nổ. Thế nhưng, thực tế cho thấy đây là mùa của sự cố liên quan đến lửa” – đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết.
Thường xảy ra vào lúc nửa đêm
Để làm rõ thông tin vừa nêu, đại tá Nhật cho phóng viên Báo Người Lao Động xem bảng thống kê số liệu các vụ cháy, nổ theo tháng thuộc năm 2015, 2016. Đồ thị hiển thị vào các tháng mùa mưa, số vụ cháy tăng so với mùa khô. Năm nay, tính từ ngày 1-4 đến 21-5, đã có 158 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến sự cố cháy, nổ. Trong đó, sự cố chập điện lên đến 60 vụ, đun nấu gây cháy 42 vụ.
Sở dĩ có sự ngược đời như vậy, theo vị trưởng Phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TP HCM, là để gây cháy phải có 3 yếu tố chính gồm: mồi lửa, chất gây cháy và ôxy. Ở mùa khô, hay còn gọi là mùa nóng, các khấu kiện như tường nhà, vật dụng được đun nóng bởi mặt trời sáng đêm khi chỉ cần mồi lửa là cháy và rất to nhưng số vụ ít; Còn ở mùa mưa, số vụ nhiều hơn vì mưa đổ xuống gây chập điện.
Một vụ cháy cáp viễn thông lúc nửa đêm ở quận 2, TP HCM vào ngày 1-5. (Ảnh do Cảnh sát PCCC TP cung cấp)
“Một điều nguy hiểm phải lưu ý là các vụ chập điện gây cháy, nổ thường xảy ra vào lúc nửa đêm. Nguyên nhân là bởi mưa đổ xuống chiều, tối và sau đó hơi ẩm bốc lên bám vào dây điện, thiết bị điện gây ra sự cố. Lúc ngủ say mà gặp phải cháy hay ngạt khói thì dễ dẫn đến tử vong” – đại tá Nhật lưu ý.
Cũng theo ông Nhật, mùa mưa cũng thường gây ra cháy, nổ ở các kho hóa chất bởi nước là chất xúc tác, phản ứng hóa học với một số hóa chất trong sinh hoạt. Điển hình, ngày 6-8-2016 đã xảy ra vụ nổ hóa chất tại cửa hàng Minh Trường, bên hông chợ Kim Biên, phường 13, quận 5 khiến 5 người bị thương. Vì vậy, Cảnh sát PCCC đang tăng cường bố trí một lực lượng chữa cháy tại chỗ quanh chợ Kim Biên để nhanh chóng xử lý nếu xảy ra sự cố.
Ý thức người dân còn kém
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết ý thức người dân trong công tác bảo đảm an toàn điện trong mùa mưa còn kém.
Điển hình, nhiều người thường xuyên để thiết bị điện sinh nhiệt gần vật dễ cháy, không tắt điện sau khi sử dụng xong hoặc khi ra khỏi nhà…; hệ thống điện trong nhà phần lớn không được thiết kế, lắp đặt, nghiệm thu đúng quy định, đấu nối không đúng quy định, không có thiết bị bảo vệ; không thường xuyên bảo trì, kiểm tra, thay thế các thiết bị xuống cấp. “Nếu ghi nhận thực tế sẽ bắt gặp rất nhiều dây điện chằng chịt, câu móc cẩu thả” – ông Bửu lo ngại.
Làm sao để ngăn chặn tình trạng cháy, nổ trong mùa mưa? Đại tá Lê Tấn Bửu nhìn nhận phần lớn là ý thức của người dân; lực lượng Cảnh sát PCCC chỉ thực hiện công tác tuyên truyền, nhắc nhở và phổ biến những hậu quả nghiêm trọng có khả năng xảy ra.
“Mới đây, ngày 27-5, trong lúc đang mưa, người dân phát hiện lửa cháy từ một căn nhà trong hẻm 511 Trường Chinh, đối diện chợ Võ Thành Trang, quận Tân Bình và nhanh chóng dùng bình chữa cháy mini để giải cứu cụ bà 80 tuổi. Do xảy ra ban ngày nên hậu quả không đáng tiếc, nếu diễn ra vào nửa đêm thì chắc chắn hậu quả sẽ rất nghiêm trọng” – Giám đốc Cảnh sát PCCC TP đánh giá.
Trong khi đó, đại diện Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC) cho biết trước mùa mưa bão, đơn vị này đã tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan. Mới đây, tổng công ty cũng đã ký kết quy chế phối hợp với Sở Giao thông Vận tải trong công tác chăm sóc cây xanh và bảo đảm an toàn lưới điện trên địa bàn TP.
“Bên cạnh đó, chúng tôi còn triển khai chương trình hiện đại hóa, nhất là ngầm hóa lưới điện trong khu vực nội thành, để nâng cao chất lượng an toàn điện, giảm tối đa tác động từ các yếu tố bên ngoài cũng như thời tiết mà các năm trước mắc phải” – đại diện EVN HCMC nói. Theo vị này, trong năm 2017 sẽ khảo sát, tư vấn và sửa chữa điện ít nhất 10.000 hộ dân, trong đó đa số là những hộ nghèo tại các quận, huyện ngoại thành.