Thời gian gần đây, tình hình thời tiết có những diễn biến phức tạp, trời nắng nóng kéo dài, dẫn đến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Điển hình là vụ cháy rừng phòng hộ ở xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn vào chiều ngày 05/6/2017, gây thiệt hại khoảng 50 ha rừng. Vụ cháy kéo dài gần 12 giờ và được coi là vụ cháy rừng lớn nhất ở Hà Nội từ trước đến nay.
Ngày 06/6/2017, Văn phòng Bộ Công an đã ban hành Công văn số 1244/V11 – P3 thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trung tướng Bùi Văn Thành – Thứ trưởng Bộ Công an về bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Để đảm bảo an toàn PCCC rừng, nhằm ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố, Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội khuyến cáo các đơn vị quản lý rừng, hộ gia đình, cá nhân cần thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:
1. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền vận động người dân sống và làm việc trong rừng, ven rừng có ý thức phòng cháy chữa cháy rừng. Thực hiện cắm bổ sung hệ thống biển báo, biển cấm, bảng tuyên truyền bảo vệ rừng và nội quy PCCC rừng; đồng thời tiến hành sửa chữa lại các biển báo, biển cấm đã hư hỏng qua quá trình sử dụng.
2. Các chủ rừng rà soát, bổ sung phương án chữa cháy rừng trọng điểm cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia. Thành lập đội phòng cháy chữa cháy tại chỗ với phương tiện đảm bảo và thường xuyên tập luyện các phương án có sự giám sát của lực lượng Cảnh sát PCCC. Khi cháy lớn phải báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và các lực lượng khác như kiểm lâm, quân đội và cùng nhân dân cứu chữa.
3. Các chủ rừng cần tiến hành xử lý thực bì, làm giảm khối lượng vật liệu cháy trong rừng, chủ động triển khai xây dựng đê bao giữ nước, duy tu và làm mới đường băng cản lửa.
4. Mỗi cá nhân khi làm việc, du lịch trong rừng phải nêu cao ý thức phòng cháy chữa cháy. Hạn chế tối đa việc sử dụng ngọn lửa trần, không hút thuốc lá, đốt lửa trại ở khu du lịch, đốt nương làm rẫy gần rừng, vào rừng đốt ong.
5. Các hộ dân sinh sống trong rừng không tích trữ củi, gỗ, vật liệu dễ cháy xung quanh khu vực bếp. Khi đun nấu phải đảm bảo an toàn không để ngọn lửa cháy lan vào rừng.
6. Trang bị hệ thống chữa cháy, lực lượng, phương tiện như: máy bơm chữa cháy, máy cưa xăng, máy cắt thực bì, máy thổi gió, quần áo bảo hộ, cuốc, xẻng,… Thường xuyên kiểm tra, rà soát, bảo dưỡng lại các trang thiết bị phương tiện PCCC; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tổ chức thường trực 24/24 giờ trong ngày; bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm, không để phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt; kịp thời phát hiện sớm các điểm cháy và tổ chức huy động lực lượng quyết liệt dập tắt đám cháy khi mới phát sinh.
Khi xảy ra cháy, nổ hoặc cần cứu nạn, cứu hộ gọi điện theo số máy 114.